Giá nguyên vật liệu tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước phải tăng giá bán nhiều lần để bù cho giá thành sản xuất và giảm lỗ.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 1/2023, sản xuất thép xây dựng giảm do trùng thời gian nghỉ Tết Âm lịch. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng này đạt 875.830 tấn, đi ngang so với tháng trước và giảm 22% so với tháng 1/2022.
Bán hàng thép xây dựng đạt 844.110 tấn, giảm 18% so với tháng trước và giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 147.563 tấn, giảm 36% so với tháng 1/2022.
Liên quan đến giá cả, ngày 6/2, giá thép xây dựng trong nước tăng 300.000 - 400.000 đồng/tấn so với giá liền kề trước đó. Đây là đợt tăng giá thép cây và cuộn lần thứ 4 kể từ đầu năm 2023 tới nay với mức tăng dao động 850.000 - 1.100.000 đồng/tấn, tuỳ thương hiệu và chủng loại sản phẩm.
Giá bình quân thép xây dựng nội địa hiện nay tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 8%. Do giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doannh của các công ty thép xây dựng vẫn thấp, khó khăn từ mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra.
VSA nhận định giá nguyên vật liệu tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Các nhà máy có các động thái hiệu chỉnh giá thép cuộn/thép cây hoặc CB4, CB5/CB3 của các nhà máy thể hiện việc tăng giá và cơ cấu giá theo chủng loại đang được tiến hành từng bước.
Về thị phần, Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu với gần 36% tiêu thụ xây dựng thép cả nước, tương đương hơn 300.000 tấn, giảm 20% so với tháng 1/2022.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết cả hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều nằm trong tháng 1 khiến cho nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng nói chung và sắt thép nói riêng đều thấp. Do vậy, sản lượng sản xuất và bán hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ 2022.
Vietnambiz