Đầu tuần này, dự trữ nhôm tại các kho chứa của Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) đã tăng vọt, làm dấy lên lo ngại rằng đây là số nhôm do các nhà sản xuất Nga bán phá giá, CNBC cho hay.
Ở diễn biến khác, nhu cầu của Trung Quốc - một thị trường tiêu thụ kim loại lớn, đã chững lại đáng kể khi hoạt động đầu tư hạ tầng và phát triển bất động sản sa sút.
Mặt khác, Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu nhôm từ nhà sản xuất Rusal của Nga.
Bà Timna Tanners - nhà phân tích kim loại tại hãng nghiên cứu Wolfe Research, bày tỏ: “Thật đáng thất vọng khi thị trường nhôm phải gánh chịu thiệt hại kép từ việc nhu cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc, và việc Nga bán phá giá”.
“Quý III này đang phản ánh rõ những thách thức của thị trường”, vị chuyên gia nhấn mạnh trong cuộc trao đổi cùng CNBC.
Triển vọng ảm đạm
Theo bà Tanners, triển vọng của thị trường trong quý IV năm nay cũng không sáng sủa hơn - trừ khi các cơ quan quản lý có hành động thiết thực để kích thích nhu cầu của Trung Quốc, cả về phát triển cơ sở hạ tầng lẫn xây dựng bất động sản, và ngăn chặn khả năng Nga bán phá giá nhôm.
Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu chứng tỏ nhu cầu nhôm của Trung Quốc có thể cải thiện nhanh chóng. Tại phiên khai mạc đại hội đảng hồi cuối tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã báo hiệu rằng đất nước tỷ dân sẽ tiếp tục duy trì chính sách Zero COVID.
Triển vọng càng ảm đạm hơn khi nhu cầu của các thị trường khác chững lại vì lãi suất tăng cao, bà Tanners cho biết thêm.
Các nhà sản xuất nhôm như Alcoa của Mỹ và nhiều cơ sở tại châu Âu cũng đang phải đối mặt với bài toán chi phí vận hành, chủ yếu là do giá điện tăng cao, nhà phân tích của Wolfe Research thông tin.
Bà nói: “Điện chiếm khoảng 30% tổng chi phí của một nhà máy luyện nhôm, vì vậy việc giá điện nhảy vọt đã bóp nghẹt hoạt động của một số nhà máy ở châu Âu”.
Nhà phân tích Matthew Miller của CFRA Research cũng ngạc nhiên về khoản lỗ của Alcoa trong quý III năm nay. Hãng nhôm nước Mỹ cho biết họ lỗ là do giá nhôm xuống thấp và chi phí năng lượng cùng nguyên liệu chính tăng cao.
Tương tự bà Tanners, ông Miller dự đoán “triển vọng của thị trường nhôm trong quý IV có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, trước khi mọi thứ khởi sắc trở lại”.
Tín hiệu xấu
Ông Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hoá tại hãng tư vấn CBA, cho biết LME không công bố nguồn gốc nhôm được lấy từ đâu khi tồn kho của sàn này tăng. Tuy nhiên, việc tồn kho toàn cầu cùng đi lên là một tín hiệu xấu cho thấy giá nhôm đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về suy thoái.
Ông Dhar viết trong một lưu ý rằng việc các kho chứa của LME trữ thêm nhôm của Nga có thể khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Vị chuyên gia nhận định: “LME có thể giao dịch nhôm ở mức chiết khấu so với giá cơ bản trên thị trường nếu sàn này trở thành nơi để Nga bán phá giá kim loại”. Ông lưu ý thêm rằng Nga hiện chiếm khoảng 17% sản lượng nhôm của thế giới.
Và nếu Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Rusal, chuỗi cung ứng nhôm toàn cầu có thể chịu một số tác động, chiến lược gia hàng hoá Ewa Manthey của ING cho hay.
Bà Manthey cho biết tình huống trên từng xảy ra vào năm 2018, khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt trừng phạt đối với tỷ phú Nga Oleg Deripaska và các công ty mà ông sở hữu, bao gồm Rusal.
Nữ chuyên gia nói thêm, ngoài là nhà sản xuất nhôm sơ cấp, Rusal còn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để sản xuất nhôm thành phẩm, bauxit và alumina (nhôm oxit).
Bà nói: “Các lệnh trừng phạt năm 2018 đối với Rusal đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác ở Guinea và Jamaica, trong khi các nhà máy luyện kim ở châu Âu phải chật vật để tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô”.
Vietnambiz