Phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên sáng 24/5, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho rằng ngành thép năm nay sẽ rất khó khăn, không còn thuận lợi như những năm trước do nhu cầu giảm trong khi nguồn cung không đổi. Điều này sẽ gây áp lực lên giá thép từ nay đến cuối năm.
Chính sách Zero Covid khiến nhu cầu thép của Trung Quốc giảm mạnh trong khi đây lại là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới. Do đó, việc Trung Quốc phong toả khiến tổng cầu trên thế giới cũng suy giảm.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng càng khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp thép bị co hẹp. Điển hình như căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá than cốc tăng tới 200 USD/tấn.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu có thể chủ động trong nước mới chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu của các nhà máy thép. Do đó, giá thép trong nước neo khá chặt so với diễn biến của giá nguyên liệu thế giới.
Trong năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 25.000 - 30.000 tỷ đồng, thấp hơn mức 34.521 tỷ đồng của năm ngoái.
"Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy nó thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm", ông Long nói với cổ đông.
Ngoài ra, theo ông Long những dự tính về việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc nguồn cung thiếu hụt do xung đột Nga - Ukraine lệch hoàn toàn so với thực tế.
Mặc dù tiêu thụ giảm nhưng Hoà Phát không có ý định giảm công suất bởi tập đoàn này có lợi thế về quy mô.
"Mặc dù giá thép đang trong xu hướng đi xuống nhưng chúng tôi sẽ vẫn vận hành hết công suất để tận dụng lợi thế về quy mô. Bên cạnh đó, Hoà Phát sẽ đẩy mạnh việc bán hàng", ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát cho biết.
Theo thường lệ, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 là cao điểm của mùa xây dựng, kéo theo nhu cầu thép tăng lên. Tuy nhiên, năm nay quy luật ấy lại đảo ngược khi trong tháng 4, bán hàng thép xây dựng giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
VSA cho biết các nhà phân phối đang tìm cách giảm lượng hàng tồn kho nên lượng hàng xuất xưởng của các nhà máy giảm nhiều so với bình thường.
Tính đến hết tháng 4, tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy khoảng 900.000 tấn, cao gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Hoà Phát mới đây cũng cho biết lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 4 đạt gần 300.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do lượng hàng tồn kho tại các đại lí từ tháng trước đó vẫn còn.
Hiện tại, Hoà Phát vẫn đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng của Việt Nam với 35,9%.
Việc bán hàng trong nước chấm khiến các nhà máy đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường. Tuy nhiên, về dài hạn, ông Long cho biết sẽ chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước và giảm tỷ trọng xuất khẩu.
"Năm ngoái Hoà Phát xuất khẩu khá tốt, chiếm 30% tổng sản lượng. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng tôi sẽ vẫn tập trung nhiều vào vào thị trường trong nước bởi xuất khẩu có quá nhiều yếu tố rủi ro về thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào chính sách của nước sở tại. Thời gian tới, tỷ trọng xuất khẩu của Hoà Phát có thể chỉ ở mức khoảng 10 - 15%", ông Long chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông.
Vietnambiz