Financial Times dẫn báo cáo của công ty tư vấn MySteel có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, xuất khẩu thép từ Trung Quốc dự kiến sẽ vượt 100 triệu tấn vào năm 2024, mức cao nhất kể từ năm 2016.
Bà Vivian Yang, trưởng ban biên tập tại MySteel dự báo tổng lượng thép xuất khẩu sẽ đạt 100-101 triệu tấn trong cả năm, mức cao thứ ba từ trước đến nay.
Nhu cầu trong nước tại Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 50% sản lượng thép toàn cầu, giảm đã khiến các nhà sản xuất phải đẩy mạnh xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ thép xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là các nước Đông Nam Á. Đồng thời lượng xuất khẩu sang Châu Âu cũng đang ngày càng tăng lên.
Ông Ian Roper, chiến lược gia hàng hóa tại công ty tư vấn Astris Advisory Japan, cho biết: "Thép Trung Quốc tràn ngập thế giới khiến giá xuống thấp”.
Ông Roper cho rằng các nước sẽ áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Ông nói: “Sẽ ngày càng có nhiều vụ kiện thương mại" được đệ trình nhằm chống lại Trung Quốc trong những tháng tới.
Điều này có thể dẫn đến việc các quốc gia áp dụng mức thuế cao hơn đối với thép Trung Quốc, vốn phải chịu thuế ở một số quốc gia.
Một nhóm ngày càng đông đảo các nền kinh tế thị trường mới nổi như Mexico và Brazil đã tăng thuế trong năm nay. Trong khi đó, những nước khác như Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc điều tra mới.
Mỹ đã tăng gấp ba lần thuế quan đối với thép Trung Quốc trong năm nay, trong khi vào tháng 5, EU đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép tráng thiếc của Trung Quốc. Canada đã công bố mức thuế quan mới đối với thép vào tuần trước.
Vào hôm thứ Năm (29/8), Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, đại diện cho các nhà máy thép lớn do nhà nước sở hữu, đã kêu gọi các nhà sản xuất thép chấm dứt "cuộc cạnh tranh khốc liệt" và lên án các nhà máy dựa vào “cuộc chiến giá cả” để giành thị phần.
Chỉ số giá thép Trung Quốc của hiệp hội đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 8 năm tính đến ngày 16/8. Tại châu Âu, giá giao ngay cho thép cuộn cán nóng đã giảm gần 20% kể từ đầu năm.
Sự chậm lại trong hoạt động xây dựng và kinh tế của Trung Quốc đã khiến nhu cầu trong nước giảm mạnh, trong khi các nhà sản xuất thép chậm chạp trong việc hạn chế sản xuất, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Quan ngại trước tình trạng này, hồi tháng 8, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã đình chỉ phê duyệt các nhà máy thép mới.
Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu dự kiến cũng sẽ tăng đột biến trong những tháng tới, đặc biệt là thép cuộn cán nóng, được sử dụng cho các sản phẩm như ô tô và máy móc.
Ông Colin Richardson, giám đốc ngành thép tại Argus Media, một nhà cung cấp dữ liệu giá hàng hóa, cho biết: “Chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến trong những tháng tới”, đồng thời nói thêm rằng xuất khẩu thép cuộn cán nóng của Trung Quốc đã tăng trong 12 tháng qua.
Giá thép cuộn cán nóng của Trung Quốc thấp đến mức dù bị Châu Âu áp thuế cao (ít nhất 18,1%), họ vẫn có khả năng cạnh tranh.
Ông Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ANZ Research, bộ phận nghiên cứu của một trong những ngân hàng lớn nhất Australia, cho biết các nhà sản xuất thép Trung Quốc, thường xuất khẩu từ 7-10% tổng sản lượng của họ. Họ đã được hưởng lợi trong năm nay nhờ nhu cầu tương đối mạnh ở châu Âu và châu Á.
“Đặc biệt, điều này xảy ra khi một số nhà sản xuất ở một số khu vực, chẳng hạn như Châu Âu, đang phải chịu chi phí năng lượng cao hơn... Điều đó đã mở ra cánh cửa cho các nhà sản xuất thép Trung Quốc”, ông Hynes cho biết. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng đã có một số dấu hiệu trong những tháng gần đây cho thấy nhu cầu toàn cầu đang giảm bớt.
Hồi thán 8, tập đoàn thép Baowu, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã cảnh báo rằng ngành thép đang phải đối mặt với “một mùa đông dài và lạnh giá”, thậm chí còn tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng thép trước đây vào năm 2008 và 2015.
Các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đang chìm sâu trong sắc đỏ, với tổng khoản lỗ khoảng 2,8 tỷ nhân dân tệ (390 triệu USD) trong 7 tháng đầu năm nay. Theo MySteel, chỉ có 1% các nhà máy thép của Trung Quốc có lãi.
Vietnambiz