Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023 là tháng có số ngày nghỉ tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán nhiều nên tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng 12/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 23,61 tỷ USD, giảm 18,7%; nhập khẩu đạt 22,95 tỷ USD, giảm 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 thặng dư 656 triệu USD.
Đối với mặt hàng sắt thép, xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 1 vừa qua của toàn ngành đạt hơn 672.100 tấn với trị giá gần 457 triệu USD.
So với tháng 12/2022, xuất khẩu sắt thép trong giai đoạn này đã giảm 18,3% về lượng và 21,8% về giá trị. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sắt thép trong tháng 1 năm nay sụt giảm 14,8% về lượng và giảm mạnh tới 47,6% về kim ngạch.
Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,4 triệu tấn thép, tương đương gần 8 tỷ USD, giảm 36% về lượng và giảm 32% về giá trị so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu thép chủ yếu của thép Việt Nam là khu vực ASEAN chiếm 36,2%; EU chiếm 18,4%; Mỹ chiếm 10,5%; Hàn Quốc chiếm 6,8% và Hồng Kông khoảng 4,1%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 11,7 triệu tấn với trị giá hơn 11,9 tỷ USD, giảm 6% về lượng nhưng tăng 3% về giá trị so với năm 2021. Như vậy, cán cân thương mại ngành thép năm 2022 nghiêng về nhập siêu 3,9 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong nước năm 2023 có thể được hỗ trợ bởi đầu tư công, dự án giao thông. Tuy nhiên, lạm phát tăng nhanh và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu làm giảm nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, kéo theo tiêu thụ thép yếu dần từ quý 3/2022.
Trong khi đó, xuất khẩu thép sẽ tiếp tục trầm lắng trong các quý 1, 2 và đến giữa năm 2023 mới phục hồi khi áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu.
CafeLand