Đặc biệt, xuất khẩu thép đạt gần 313 nghìn tấn, tăng mạnh 76% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung trong quý I, xuất khẩu thép đạt hơn 700 nghìn tấn, tăng 55% so với cùng kỳ 2021.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3, tình hình sản xuất thép xây dựng đạt kết quả tốt so với tháng trước và cùng kỳ 2021. Theo đó, sản lượng thép xây dựng trong tháng 3 đạt gần 1,4 triệu tấn, tăng 31% so với tháng 2 và tăng 15,3% so với cùng kỳ 2021.
Bán hàng đạt hơn 1,44 triệu tấn, tăng 22% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu thép trong tháng 3 đạt gần 313 nghìn tấn, tăng mạnh 76% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung trong quý I, xuất khẩu thép đạt hơn 700 nghìn tấn, tăng 55% so với cùng kỳ 2021.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra hồi đầu tháng 4, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí.
VSA cho rằng triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt.
Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
Trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành thép vừa công bố, Chứng khoán BSC cho rằng, trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép nội địa sẽ tăng trưởng tốt dựa trên tăng giải ngân đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, và hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ hồi phục kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng, trong đó 113.850 tỷ đồng được phân bổ cho phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành, các cảng logistics lớn..., kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép gia tăng.
Hoạt động xây dựng trong năm 2021 bị đình trệ trong 9 tháng đầu năm để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Năm 2022, nguồn cung căn hộ sẽ tăng gấp đôi, và nguồn cung nhà liền thổ tăng 20%-30% so với năm 2021 (theo dự báo của CBRE Việt Nam) là những yếu tố thúc đẩy tiêu thụ thép trong nước.
Đối với hoạt động xuất khẩu, xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang được đánh giá là tạo thuận lợi cho ngành thép.
Theo đó, xung đột giữa Ukranie và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.
Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).
Tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và 4 vào khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021 với khoảng 21% tổng sản lượng, theo Eurofer.
Do đó, VBCS nhận định khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo tháng từ ngày 24/2, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới.
Vietnambiz