Đây là loại thép xây dựng làm cốt bê tông cho các siêu công trình, được làm ở dạng cuộn để thuận tiện trong việc vận chuyển. Để đạt được chứng nhận tiêu chuẩn BS4449 của Anh Quốc, quy trình sản xuất các sản phẩm thép DBIC phải thực hiện rất nghiêm ngặt và đáp ứng điều kiện thử mỏi trên 5 triệu chu kỳ.
Ngoài ra, công đoạn sản xuất gang lỏng phải đảm bảo chất lượng tốt nhất, các tạp chất P (phốt pho), S (lưu huỳnh) đều rất thấp. Với đặc tính độ bền cao, thép DBIC rất khó sản xuất ở dạng cuộn, đòi hỏi kiểm soát nhiệt và làm nguội ở khâu cán rất chặt chẽ.
Thép thanh vằn ở dạng cuộn đã được sử dụng rộng rãi ở Châu Âu và các nước phát triển là một khái niệm thép cây mới có thể mang lại nhiều lợi thế như: tối đa hóa hiệu quả sản xuất thông qua hệ thống tự động, giảm chi phí lao động, giảm tổn thất gia công và lượng thép sử dụng, quản lý sử dụng hiệu quả không gian lưu trữ cũng như hàng tồn kho tốt hơn.
Việc sản xuất thép thanh vằn dạng cuộn cũng giúp Hòa Phát tiết giảm tiêu hao kim loại, không phát sinh thép ngắn dài phải cắt, tối ưu chi phí sản xuất.
Cho đến thời điểm hiện tại, Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép DBIC. Ngay khi sản xuất thành công và được cấp chứng nhận BS4449 của Anh, sản phẩm đã được xuất sang thị trường Singapore và được nhiều đối tác nước ngoài quan tâm.
Gần đây, Tập đoàn Hòa Phát tập trung nghiên cứu phát triển các dòng thép chất lượng cao, đặc biệt là các dòng thép kỹ thuật khó như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, đinh vít … và nay là thép thanh vằn đóng cuộn. Điều này chứng tỏ đội ngũ CBCNV của Hòa Phát đã làm chủ dây chuyền công nghệ hiện đại, ngày càng cho ra đời nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
VietTimes