Tăng trưởng cao trên mức nền thấp
Thị trường tôn mạ đang có những tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái cả về sản lượng sản xuất và tiêu thụ. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 5, sản lượng tôn mạ đạt 509.309 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái; lượng bán hàng đạt 475.399 tấn, tăng 25%.
Luỹ kế 5 tháng qua, sản lượng đạt hơn 2,3 triệu tấn và tiêu thụ 2,27 triệu tấn tăng lần lượt 32% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục dẫn đầu thị phần với 29%, tiếp theo là Nam Kim (17,3%).
Hoà Phát, doanh nghiệp đứng thứ 5 thị phần, cho biết lượng xuất khẩu tôn mạ trong 5 tháng của doanh nghiệp tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu thép cuộn mạ kẽm, mạ lạnh và tôn mạ màu hiện chiếm 60-70% tổng sản lượng sản xuất của Nhà máy Tôn mạ màu Hòa Phát.
Tổng Công ty Thép (VNSteel - Mã: TVN) mới đây cho biết tổng tiêu thụ toàn hệ thống tháng 5 đạt 351.700 tấn tăng 1% so với tháng trước và tăng mạnh 59% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng tiêu thụ thép cán nguội và tôn mạ đều gấp đôi so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, lượng tiêu thụ thép cán nguội tăng 85% và tôn mạ tăng 105% so với cùng kỳ.
Mặc dù tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhưng sự phục hồi được đánh giá là vẫn còn yếu do mức nền thấp của năm trước. Thực tế, lượng tiêu thụ tôn mạ của tháng 5 đã giảm 11,5% so với tháng 4, trong đó xuất khẩu giảm mạnh hơn 24%.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng trong nửa cuối năm nay đến năm 2025, giá tôn mạ sẽ trong xu hướng đi lên. Trong tháng 6, BSC cho rằng giá tôn mạ nội địa dao động gần vị trí cân bằng cung - cầu tương đương vùng giá tháng 10/2023.
Ngoài ra, sản lượng thép nội địa sẽ phục hồi do thị trường bất động sản quay trở lại. Các đại lý có xu hướng tích trữ hàng tồn kho nhiều hơn so với giai đoạn áp thuế chống bán phá giá.
“Chúng tôi cho rằng giá thép tôn mạ trong năm 2024 sẽ tăng 5% so với năm ngoái”, BSC nhận định.
Điều tra chống bán phá giá tôn mạ sẽ tác động ra sao?
Mới đây ngày 14/6, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này được kỳ vọng sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho ngành tôn mạ trong nước.
Theo trình tự, Bộ Công thương sẽ gửi Bản câu hỏi rà soát tới các đơn vị liên quan sau 15 ngày kể từ ngày khởi xướng. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra kết luận sơ bộ điều tra. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá (POI) 1/4/2023-31/3/2024.
Bộ Công thương sẽ đưa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá dưa trên ba yếu tố sau đây. Đầu tiên, xác định biên độ phá giá > 2%, có hiện tượng ép giá, kìm giá hay không. Thứ hai, mức độ thiệt hại của ngành sản xuất trong nước thể nào. Cuối cùng là mối quan hệ nhân quả giữa hiện tướng bán phá giá và thiệt hại ngành sản xuất trong nước.
Nếu kết luận cuối cùng là áp thuế trở lại, ngành tôn mạ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.
Trước đó trong năm 2016, Bộ Công thương cũng đã từng khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, và đưa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời sau 6 tháng, và áp thuế chống bán phá giá chính thức sau 12 tháng (mã vụ việc: AD02).
Kể từ sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời vào tháng 9/2016, sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành trung bình đạt 450.000 tấn/quý ( tăng 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế). Trong đó, Hoa Sen là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành tôn mạ (ước 30% thị phần) đã tăng sản lượng tăng 30% so với giai đoạn trước khi áp thuế.
Các doanh nghiệp tôn mạ khác cũng ghi nhận tăng trưởng sản lượng nội địa mạnh mẽ (từ 18% - 30%) sau khi áp thuế chống bán phá giá. Điển hình như Nam Kim khi sản lượng nội địa trung bình đạt 50.000 tấn/quý, tăng 29% so với với giai đoạn trước khi áp thuế.
Đến tháng 5/2022, Việt Nam chấm dứt việc áp thuế của vụ việc AD02.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngành thép năm 2023 và kế hoạch 2024 của Hiệp hội Thép Việt Nam hồi đầu năm, ông Vũ Văn Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho biết kể từ khi Việt Nam dừng vụ AD02, lượng tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rõ rệt.
“Các doanh nghiệp cực kỳ khó khăn trong việc cạnh tranh. Dưới góc độ ngành sản xuất tôn mạ, chúng tôi mong muốn Cục Phòng vệ Thương mại đẩy nhanh tiến độ vụ AD02”, ông Thanh nói.
Trao đổi chúng tôi, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, đồng thời là Tổng Giám đốc VNSteel cho biết trong những tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến. Điều này gây áp lực với các doanh nghiệp thép trong nước. Do đó, Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp cần thiết như phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Vietnambiz